Chương trình truyền hình Truyền_hình_tại_Việt_Nam

Nội dung chương trình truyền hình tại Việt Nam đa dạng, phong phú với các thể loại như tin tức, văn hóa, giải trí, khoa học, tổng hợp....đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân Việt Nam.

Văn hóa, giải trí

Trò chơi truyền hình, cuộc thi truyền hình[133]

Các trò chơi truyền hình, cuộc thi truyền hình bắt đầu nở rộ từ những năm 1990, điển hình như Tiếng hát truyền hình, Âm nhạc & giới trẻ (HTV), SV 96, Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc (VTV), các cuộc thi ca hát, giọng ca vàng cấp tỉnh...

Từ những năm cuối thập niên 90, Đài Truyền hình Việt Nam luôn tiên phong sản xuất, khai thác các chương trình trò chơi truyền hình, cuộc thi... để phát sóng trên truyền hình, nhất là trên hai kênh VTV2 và VTV3[134]. Đầu những năm 2000, nhiều đài truyền hình khác cũng tham gia sản xuất các trò chơi giải trí thu hút người xem như HTV, BTV (Bình Dương), ĐNRTV, HanoiTV...[135] Tuy nhiên, hiệu quả hơn cả là VTV3 [136] khi đã tạo được thói quen xem truyền hình của nhiều khán giả với hàng loạt gameshow buổi tối hấp dẫn. Sau đó, gameshow trở nên bão hòa, các cuộc thi truyền hình dần được nâng cấp, các chương trình truyền hình thực tế, gameshow hài kịch, tình yêu, âm nhạc lên ngôi, lấn át trong khung giờ vàng của các kênh truyền hình lớn. Cho đến những năm 2019, các gameshow kiến thức bùng nổ trở lại trên sóng truyền hình.

Nhiều năm trở lại đây, do tiềm lực tài chính không mạnh, việc sản xuất trò chơi truyền hình tại các đài địa phương không còn sôi động như trước. Truyền hình Vĩnh Long (THVL) là một ngoại lệ hiếm hoi với các cuộc thi hát bolero giúp cho đài vượt tầm ảnh hưởng ra khỏi địa phương và nhanh chóng trở thành một trong những kênh giải trí hấp dẫn hàng đầu khu vực phía Nam.[137].

Tính riêng trò chơi truyền hình, tại Việt Nam tính đến nay có hơn 500 - 600 trò chơi truyền hình được sản xuất (từ trung ương đến địa phương), bao gồm tự sản xuất, mua bản quyền và tự sản xuất, hay kết hợp với các công ty truyền thông sản xuất, phát sóng trên các kênh VTV3, VTV9, HTV7, HTV9, THVL1...

Ca nhạc

Ca nhạc trên truyền hình Việt Nam xuất hiện dưới nhiều hình thức, có thể là những chương trình tạp kỹ được ghi hình ở trường quay của đài, hay ở ngoài trời, cũng có thể là những sự kiện hay chương trình ca nhạc thường niên do các đài truyền hình hoặc các công ty sản xuất, hợp tác phát sóng. Ngoài ra còn phải kể đến chương trình ca nhạc quốc tế, ca nhạc V-pop... do các đài truyền hình địa phương tự sản xuất.

Âm nhạc Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang ngày càng phát triển, nội dung và các thể loại đa dạng hơn, do đó việc xuất hiện thêm các chương trình ca nhạc, thậm chí các trò chơi truyền hình về ca nhạc là một điều tất yếu để thỏa mãn nhu cầu của nhiều khán giả xem truyền hình. Năm 1999, HTV lần đầu ra mắt Nhịp cầu âm nhạc, chương trình tương tác âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam, tạo hiệu ứng lớn với hàng chục triệu khán giả miền Nam. Chương trình đã giúp khán giả chủ động hơn trong việc giải trí trên màn ảnh nhỏ thông qua việc gọi điện thoại và gửi tin nhắn đến chương trình để yêu cầu bài hát hay trò chuyện trực tiếp với các ca sỹ[138]. Sau đó vào năm 2000, HTV tiếp tục ra mắt Thay lời muốn nói, một dạng khác của ca nhạc theo yêu cầu nhưng với các ca khúc được ghi hình (đến năm 2004 bắt đầu được trực tiếp).

Năm 2002, thời điểm nhạc nhẹ Việt Nam đang trở nên thịnh hành, Đài Truyền hình Việt Nam ra mắt giải thưởng VTV - Bài hát tôi yêu, nhằm vinh danh các cá nhân, các đạo diễn, nhà sản xuất. Với tinh thần thỏa sức sáng tạo để tạo ra những MV mới mẻ, hấp dẫn, VTV – Bài hát tôi yêu đã chiếm trọn tình cảm của phần lớn khán giả yêu âm nhạc cũng như là nơi đặt niềm tin của nhiều nghệ sĩ. Sự thành công của chương trình là tiền đề cho những chương trình lớn tiếp theo được xuất hiện: Album vàng, Bài hát Việt,... Về sau, rất nhiều chương trình ca nhạc, liveshow đã xuất hiện không chỉ ở VTV, HTV mà còn ở các kênh địa phương vào mỗi cuối tuần như Con đường âm nhạc, Nhóm ca và bạn trẻ, Giai điệu tình yêu,... Từ những năm 2000, các trò chơi truyền hình, cuộc thi về âm nhạc cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và đến nay vẫn tiếp diễn, với Trò chơi âm nhạc, Nốt nhạc vui, Đọ sức âm nhạc,... và hiện tại là Sàn đấu ca từ, Sàn chiến giọng hát...

Còn với thể loại ca nhạc tạp kỹ, ghi hình ở trường quay, đến nay đã cải tiến hơn so với trước. Những năm 2000, HTV đã tiên phong dùng phông xanh, bối cảnh ảo để sản xuất các chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình phục vụ khán giả, kết hợp với bối cảnh trang trí ngay trong phim trường và quay thực tế ở ngoài trời. Sau này, các đài truyền hình đã ra mắt các tiết mục chuyên đề, khai thác từ các kênh nước ngoài để phát sóng, đặc biệt là VTV với chương trình "MTV".

Truyền hình thực tế

Đầu năm 2005, VTV3 ra mắt chương trình Khởi nghiệp và ngay lập tức thu hút lượng người xem mỗi tuần. Đây có thể được xem là chương trình truyền hình thực tế tiên phong tại Việt Nam. Cùng năm đó, Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước - một dạng khác của truyền hình thực tế - lần lượt được lên sóng trên HTV.

Tuy nhiên, Phụ nữ thế kỷ 21 (2006) mới thật sự là chương trình truyền hình thực tế đúng nghĩa đầu tiên tại Việt Nam. Ngay khi ra mắt khán giả truyền hình, chương trình đã tạo được sự chú ý bởi tính tươi mới, chân thật và thẳng thắn. Là một cuộc thi truyền hình nhưng các thí sinh được thoải mái bộc lộ quan điểm và cá tính, những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để từ đó phác họa nên những nét độc đáo của phụ nữ ngày nay.[139]

Sau đó, đến năm 2007, công ty Đông Tây Promotion cũng đã thực hiện thành công Vietnam Idol mùa đầu tiên. Từ đó đến nay, các chương trình truyền hình thực tế Việt Nam ngày càng nở rộ với hàng chục chương trình ở các thể loại: âm nhạc, thời trang, điện ảnh, mạo hiểm, nấu ăn, nhảy múa,... Thống kê năm 2016 cho thấy có khoảng hơn 50 chương trình truyền hình thực tế đã và đang phát sóng trên khắp các kênh truyền hình từ trung ương cho đến địa phương tại Việt Nam.[140]

Hài kịch, sân khấu[141]

Trước đây, nhiều đài truyền hình thường dành giờ vàng cuối tuần để phát sóng chương trình Sân khấu. Giai đoạn những năm 1980 chứng kiến sự phát triển cực thịnh của thể loại hài kịch, nhất là trên sóng HTV, khi các vở chính kịch vào các ngày thứ Bảy thu hút đông đảo khán giả. Đặc biệt, kịch hài Trong nhà ngoài phố mỗi tối thứ Năm với sự dẫn dắt của đạo diễn Trần Văn Sáu đã tạo hiệu ứng mạnh trong xã hội; nhiều thuật ngữ, câu nói từ Trong nhà ngoài phố trở thành câu nói cửa miệng trong đời sống. Cho đến nay, các vở cải lương, sân khấu, kịch, các tác phẩm, tiểu phẩm hài,... xuất hiện trên sóng truyền hình với đủ thể loại từ châm biếm đến đời sống xã hội. Ở thể loại hài kịch có Gặp nhau cuối tuần (VTV), Kính đa tròng, Chuyện cảnh giác, Siêu thị cười (HTV), Sân khấu hài (một số kênh địa phương), ở thể loại cải lương, ca cổ phần lớn được phát sóng trên các đài địa phương miền Tây mỗi tối... Cùng với việc chất lượng, nội dung ngày càng được chú trọng, các tiết mục hài kịch đã mang lại nhiều giá trị tinh thần cho khán giả.

Về sân khấu truyền hình, năm 2003 VTV cho ra mắt Nhà hát truyền hình nhằm giới thiệu và trình diễn các tác phẩm kịch, sân khấu, cải lương mỗi tháng cũng như thúc đẩy sáng tác và biểu diễn trong lĩnh vực sân khấu.[142] Thể loại cải lương, ca cổ cũng không kém cạnh với Vầng trăng cổ nhạc, Ngân mãi chuông vàng (HTV)..., và một số chương trình, cuộc thi cải lương, ca cổ trên sóng các đài địa phương.

Phim truyện

Phim truyện đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, ban đầu là những bộ phim Việt Nam tự sản xuất, mà tiên phong là Hãng phim truyện Việt Nam, về sàu là hãng phim truyền hình của các đài truyền hình như VTV, HTV, và một số đài truyền hình địa phương khác.

Từ khi Việt Nam mở cửa với thế giới, nền văn hóa của các nước đã du nhập vào Việt Nam, người dân do đó có nhiều lựa chọn hơn về giải trí. Mảng phim truyện lúc này đã có thêm nhiều thể loại đa dạng từ các nước châu Âu, Mỹ, Úc, châu Á..., điển hình như VTV vào những năm 1996 - 2005, với khung phim truyện mỗi tối trên VTV3 trình chiếu các bộ phim Âu-Mỹ, khung giờ buổi trua dành cho phim châu Á. HTV cũng có khung phim truyện châu Á (Hàn Quốc, Trung Quốc...) vào khung giờ 17:00 trên kênh HTV7; bên cạnh đó các đài địa phương cũng tham gia phát sóng những bộ phim bom tấn của các nước, đặc biệt trong khung giờ "Phim cuối tuần" (chủ yếu thu lại từ các kênh truyền hình của các nước, hoặc mua băng đĩa hay hợp tác với các công ty bản quyền trong & ngoài nước).

Về sau, khi HTV ra mắt khung phim Việt buổi tối, và trào lưu phim Hàn Quốc, Trung Quốc xuất hiện, các bộ phim Âu Mỹ dần trở nên ít xuất hiện hẳn, chỉ còn bó hẹp lại trong khung phim cuối tuần. Lúc này HTV, ĐNRTV là những đài đi đầu trong sản xuất, hợp tác phát sóng phim Việt giờ vàng, với những bộ phim ăn khách, tạo dấu ấn cho người xem. Từ cuối năm 2007, VTV đã bắt đầu mở khung giờ phim Việt buổi tối trên VTV1 và VTV3 và cũng tạo được hiệu ứng tích cực với người xem. Trào lưu phim Việt cũng được rất nhiều đài truyền hình địa phương đi theo, hợp tác phát sóng với các hãng phim, các công ty truyền thông... Hiện nay, với việc cạnh tranh với xu thế hiện tại, phim truyện Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh mẽ, hướng đến mọi đối tượng, do đó có nhiều bộ phim đã để lại ấn tượng cho khán giả như Người phán xử, Bỗng dưng muốn khóc, ...

Tin tức

"Tin tức truyền hình" là một trong những nội dung đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trên truyền hình, cập nhật thông tin nổi bật của trong nước, quốc tế, các sự kiện cập nhật từ chính trị đến đời sống, xã hội trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, tin tức truyền hình có nhiều thể loại như kinh tế, đời sống dân sinh..., phát sóng ở nhiều khung giờ, như kênh VTV1, HTV9 (trước đây) vào mỗi đầu giờ, một số đài địa phương & quốc gia vào khung giờ vàng như 60 giây, Người đưa tin 24h, Chuyển động 24h, Chuyển động Đông Tây, Chào buổi sáng... với cách trình bày ngắn gọn, súc tích, cập nhật liên tục. Ngoài ra, các đài truyền hình lớn/địa phương còn phối hợp với các đài truyền hình khác, hoặc các đơn vị báo chí, truyền thông đưa tin, sản xuất tin tức, phát sóng trên truyền hình.

Về tin tức chính trị, hiện nay Việt Nam đã ban hành quy định không được phép liên kết sản xuất chương trình Thời sự chính trị (trừ các kênh thiết yếu và truyền hình địa phương (với thông tin chính trị tại địa phương và các thông tin quan trọng)[143]. Đối với các tin tức nước ngoài, phần lớn các đài truyền hình trong nước ký kết hợp tác với các đài truyền hình các nước, các hãng thông tấn lớn, một số đài còn thu sóng từ các các kênh truyền hình tin tức của nước ngoài để đưa tin cho khán giả. Trước đây có một số đài xuất hiện các chuyên mục tin tức thế giới, như Bản tin thế giới (HanoiTV), Thế giới 24 giờ (BTV1), ...

Phóng sự, tài liệu

Mảng phóng sự, phim tài liệu, ký sự xuất hiện trên truyền hình Việt Nam vào những năm 1970, với nhiều thể loại, đề tài đa dạng, từ văn hóa, khám phá, thiên nhiên đất nước..... đến những phóng sự "thời sự", đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa, .... Thể hiện mọi mặt của đời sống, qua đó bộc trần những bất cập, góc khuất của xã hội, những gì mà con người chưa biết đến,.... .Vào những năm 90 - 2000, HTV & VTV là 2 đơn vị tiên phong thực hiện các ký sự, phóng sự, phim tài liệu quy mô lớn, có thể kể đến như Mekong Ký sự, Ký sự nước Lào, ..., cùng với các ký sự nổi tiếng khác do các đài địa phương sản xuất... Hiện nay, thể loại phóng sự, ký sự, phim tài liệu đang tạo được những hiệu ứng rất hiệu quả với công chúng .

Thể thao

Những sự kiện thể thao đầu tiên được chiếu trên truyền hình Việt đã xuất hiện từ thời của THVN9, đáng chú ý là các trận đấu của Giải vô địch bóng đá thế giới 1974.[144][145] Tuy chỉ dưới dạng phát chậm, vài ngày sau khi trận đấu kết thúc mới được phát sóng, nhưng lại được công chúng hưởng úng nhiệt liệt.

Năm 1978, lần đầu tiên hai đài HTV và VTV tham gia tường thuật vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới. Hai năm sau, qua sóng vệ tinh của Liên Xô, lần đầu tiên nhân dân Việt Nam được thưởng thức Thế vận hội Mùa hè 1980 tổ chức tại Moscow, Nga.

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, để phát sóng các sư kiện thể thao, nhất là các giải đấu lớn, các đài truyền hình thường phải xin sóng của nước ngoài (chủ yếu là từ Liên Xô) hay được hỗ trợ bản quyền miễn phí, lúc này vấn đề bản quyền chưa được đặt ra đối với Việt Nam. Sau này, khi nền kinh tế phát triển hơn, các đài truyền hình phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ, thậm chí lên tới hàng chục triệu đô-la, để có thể giành quyền phát sóng các sự kiện thể thao và thu hút khán giả.[146] Từ trước đến nay, Việt Nam đã từng có bản quyền của nhiều giải đấu thể thao, nổi bật trong đó có thể kể đến Ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga, Champions League,... và những World Cup, Euro của bóng đá, ATP của quần vợt, hay các đại hội thể thao lớn có Olympic, Asiad,...

Đối với các chuyên đề thể dục - thể thao trong nước, trên nhiều kênh truyền hình thường có các chương trình như "Câu lạc bộ thể thao", "Tạp chí thể thao"..., trong đó có chương trình "Thể dục buổi sáng" phát vào lúc bắt đầu các chương trình truyền hình, nổi bật nhất là chương trình của VTV, HTV, HanoiTV & Đài PT-TH Hà Tây. Khi kênh thể thao và giải trí VTV3 ra đời năm 1996, kênh này dành nhiều thời lượng khai thác và thực hiện phóng sự, sản xuất các giải đấu thể thao lớn trong & ngoài nước.

Về kỹ thuật, hiện tại Đài Truyền hình Việt Nam cùng với đơn vị con là Truyền hình Cáp Việt Nam là hai đơn vị có đủ năng lực để sản xuất tín hiệu cung cấp các trận đấu thể thao, đặc biệt là bóng đá theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.[147][148] Bên cạnh đó, một số đài truyền hình địa phương cũng đã tham gia sản xuất tín hiệu, truyền dẫn các trận đấu thể thao cùng với VTV và các trung tâm truyền hình khu vực của đài, từ V.League, Hạng nhất quốc gia đến các giải bóng đá trẻ, trong đó có Đài Truyền hình TP.HCM, Đài PT-TH Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương...

Thiếu nhi

Từ thời THVN9, các chương trình thiếu nhi đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khán giả, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi. Một số chương trình thiếu nhi tiêu biểu trong giai đoạn này có thể kể đến như: Hoa thế hệ (giới thiệu những diễn viên nhí cải lương, hồ quảng…), Ban thiếu nhi Tuổi Xanh của bà Kiều Hạnh[149][150], chương trình thiếu nhi Xuân Phát của nghệ sĩ Xuân Phát, chương trình thiếu nhi Hoa bách hợp của Hội Hướng Đạo Việt Nam, chương trình ca nhạc thiếu nhi Nguyễn Đức của nhạc sĩ Nguyễn Đức, Ban thiếu nhi Gió Khơi chuyên biểu diễn hòa tấu đàn mandolin và các tiết mục múa về quê hương (do thầy Hưng và cô Phấn nhà ở đường Nguyễn Tiểu La, Quận 10 sáng lập), chương trình Đố vui để học do Vũ Khắc Khoan điều khiển, Đinh Ngọc Mô phụ trách.[151]

Sau một thời gian gián đoạn kể từ khi thống nhất đất nước, nội dung thiếu nhi được quan tâm trở lại và phát trên sóng của HTV, trong đó có chương trình Đố em. Cho đến những năm 70-80 của thế kỉ 20, các chương trình liên quan đến thiếu nhi ngày càng trở nên phổ biến, nhất là với sự xuất hiện của Những bông hoa nhỏ mỗi tối trên sóng truyền hình trung ương.[152] Các bộ phim hoạt hình phát sóng tại Việt Nam thời kỳ này đa số được khai thác từ các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, về sau xuất hiện thêm nhiều loạt phim của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Âu, châu Mỹ,... Năm 1996, VTV3 mở chuyên mục "Góc thiếu nhi" với việc khai thác những bộ phim hoạt hình có bản quyền, nổi bật trong đó là Thủy thủ mặt trăng. Cùng thời điểm, hàng loạt đài địa phương cũng đã khai thác, chiếu lại các bộ phim hoạt hình từ sóng của đài trung ương, hoặc thu sóng từ nước ngoài, hoặc hợp tác mua bản quyền phát sóng; nhiều bộ phim hoạt hình trên các kênh truyền hình tại Việt Nam đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, gây ấn tượng với khán giả. Năm 2000, loạt phim Doraemon được phát sóng trên VTV1 vào mỗi sáng chủ nhật đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Cùng với đó, các chương trình thiếu nhi, gồm nhiều thể loại như ca nhạc, tạp kỹ, cũng đã để lại dấu ấn cho khán giả, như Những đứa trẻ tinh nghịch, Vườn cổ tích (VTV3),...

Nhu cầu được thưởng thức nội dụng thiếu nhi ngày càng tăng lên dẫn đến sự ra đời của hàng loạt kênh truyền hinh chuyên biệt dành cho thiếu nhi. Bắt đầu từ HTV3 năm 2003 (nhưng đến năm 2008 mới trở thành kênh thiếu nhi một cách đầy đủ), VCTV8 - Bibi (VTVcab 8 hiện tại) năm 2006, VTC11 năm 2008, và sau đó là nhiều kênh truyền hình khác.

Bên cạnh các bộ phim hoạt hình nước ngoài, các bộ phim sản xuất trong nước cũng phát triển tương đối tốt hơn so với trước, tuy nhiên ngành công nghiệp phim hoạt hình Việt Nam nói chung vẫn còn ở khoảng cách rất xa so với các nước có nền hoạt hình phát triển.[153]

Khoa học – Giáo dục

Các nội dung khoa học - giáo dục (còn gọi là khoa giáo) trên sóng truyền hình được phát triển từ lâu và hiện đã phát triển một cách phong phú, bao gồm: dạy học, khám phá thế giới, thế giới động vật, giáo dục đào tạo. Ở Việt Nam, các kênh truyền hình địa phương thường khai thác các chương trình phim tài liệu, thế giới động vật... từ các kênh truyền hình lớn trong nước hoặc nước ngoài. Các kênh như VTV2, VTV7, HTV4 đã trở thành nhóm các kênh dẫn đầu trong việc sản xuất và khai thác các chương trình khoa giáo trên truyền hình. Với các chương trình khai thác từ nước ngoài, VTV và HTV đã ký kết hợp tác với nhiều hãng truyền hình lớn của thế giới để phát sóng trên các kênh truyền hình của mình.

Về nội dung giáo dục, ở Việt Nam hiện nay có nhiều đài truyền hình từ trung ương đến địa phương sản xuất các chương trình với nhiều thể loại: dạy học, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục giới tính, giáo dục & đào tạo..., cũng như các chuyên đề, phóng sự giáo dục của địa phương mỗi tuần. và các phóng sự giáo dục, các chương trình hướng nghiệp giáo dục, đào tạo.... Những năm 1990, VTV & HTV cho ra đời chương trình Dạy ngoại ngữ trên sóng truyền hình, với giáo trình Follow Me của BBC. Vào năm 1996, VTV ra mắt chương trình Dạy học từ xa trên hệ thống MMDS và tạo nên nhiều tiếng vang trên sóng truyền hình Việt Nam.[154] Chương trình này cùng với các chương trình Ôn thi đại học trên kênh VTV2 đã trực tiếp phục vụ đối tượng học sinh ôn luyện cho kì thi đại học, ngoài ra trên truyền hình còn có nhiều chương trình dạy học, dạy nghề theo lĩnh vực và đối tượng khán giả.

Chuyên đề, chuyên mục

Văn nghệ

Văn nghệ là một phần không thể thiếu trong truyền hình tại Việt Nam, gồm Văn nghệ về thiếu nhi, văn hóa, xã hội.... Tại Việt Nam, các chương trình như "Tạp chí văn nghệ" của HTV, "Văn nghệ chủ nhật" của VTV, hay các chương trình tạp chí văn hóa văn nghệ khác của các đài địa phương đã thể hiện, phản ánh được đời sống giải trí, văn hóa văn nghệ, văn học nghệ thuật .... của nhân dân, xã hội.

Đời sống, tổng hợp

Các chuyên đề như Quốc hội, chính trị, văn học nghệ thuật, xã hội dân sinh, tổng hợp,... do các đài truyền hình hoặc các đơn vị liên kết sản xuất. Có thể kể đến như về chính trị xã hội, có Sự kiện và bình luận, Cùng lên tiếng, Toàn cảnh thế giới (VTV), Nói và làm, Lắng nghe & trao đổi (HTV),...; về kinh tế có Kinh tế tài chính (HTV), Tạp chí Kinh tế cuối tuần (VTV), Trên đường hội nhập (HanoiTV)... Một số chuyên mục như Hộp thư truyền hình (VTV và các đài địa phương) cũng được lập ra nhằm trả lời những thắc mắc, ý kiến của khán giả về các vấn đề dân sinh, xã hội. Các chương trình dạng này góp phần phản ánh chân thực, khách quan ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời cung cấp kiến thức đời sống cho khán giả.

Y tế, sức khỏe

Một số chương trình về y tế, sức khỏe thu hút sự chú ý của khán giả, nhất là trên các đài địa phương lớn và truyền hình trung ương, mang đến cho người xem những thông tin, bàn luận, phân tích về các chủ đề y tế, sức khỏe, như bản tin Y tế 24h (VTV1), gameshow Vitamin (HanoiTV)...[155] cùng với các chuyên đề, chương trình sức khỏe trên các đài địa phương khác.

Khác

Truyền hình cơ sở (Trang địa phương)

Truyền hình cơ sở là dạng tin tức về tình hình đời sống, chính trị, xã hội, văn hóa, dân sinh của một hoặc các huyện của một tỉnh, do các đài truyền thanh - truyền hình huyện sản xuất, thường phát sóng trên sóng truyền hình địa phương. Trước đây VTV1 có chương trình "Trang địa phương", đưa tin về tình hình đời sống chính trị, xã hội, văn hóa, dân sinh của các tỉnh thành, do các đài PT-TH tỉnh thành đó sản xuất, ghi hình, và gửi cho Đài Truyền hình Việt Nam để phát sóng.

Truyền hình an ninh/quân đội

Đây là những chương trình chuyên biệt, phản ánh về những hoạt động của các đơn vị Công an và quân đội trên phạm vi cả nước nói chung và địa phương nói riêng, cũng như đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về xây dựng lực lượng vũ trang và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Hiện tại, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (thuộc Bộ Quốc phòng) và Cục Truyền thông Công an Nhân dân (thuộc Bộ Công an) là những đơn vị thực hiện sản xuất những chương trình chuyên biệt về an ninh và quốc phòng, phát sóng trên các kênh VTV1, VTV2 & VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc các Quân khu và Công an các tỉnh thành còn phối hợp cùng nhiều đài phát thanh và truyền hình địa phương để sản xuất và phát sóng những chương trình chuyên biệt trên.

Quảng cáo truyền hình

Quảng cáo truyền hình (phim quảng cáo) là nhân tố không thể thiếu, tạo nên doanh thu cho các đài truyền hình qua việc bán quảng cáo trong các chương trình truyền hình. Tại Việt Nam, có một quy luật được rút ra rằng chương trình nào càng thu hút khán giả, tỉ lệ người xem cao, quảng cáo sẽ càng nhiều với giá cao hơn. Một khảo sát từ năm 2003 tại TP.HCM cho thấy tỉ lệ người xem truyền hình chỉ để xem quảng cáo chiếm khoảng 20 - 30% [156] , do đó các video quảng cáo được phát triển ngày càng bắt mắt hơn, nhiều sáng tạo, trình bày đa dạng, phong phú, mới lạ. [157]

Mặc dù vậy, không ít những quảng cáo từng phát sóng trên truyền hình đã đem lại những tác động tiêu cực đến người xem, gần đây nhất là quảng cáo nước tăng lực Hổ Vằn phát sóng đầu năm 2020.[158][159]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Truyền_hình_tại_Việt_Nam http://www5a.biglobe.ne.jp/~mitu/hcm.html http://home.earthlink.net/~bfwillia/television.htm... http://www.sbtn.net/default.aspx?LangID=38&tabId=1... http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=6853&r... http://bacninhtv.vn/tin-tuc-n3142/xa-hoi-hoa-san-x... http://baobinhduong.vn/gap-nguo-i-co-nhieu-y-tuo-n... http://m.baobinhduong.vn/xay-dung-btv-thanh-don-vi... http://baolamdong.vn/xahoi/202010/dau-tu-gan-40-ty... http://caobangtv.vn/tin-tuc-n32501/dai-ptth-cao-ba... http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Khong-duoc-lien-ket-s...